Bạn có bao giờ thấy mình chưa đủ?
- Lương Ngô
- Mar 15
- 4 min read
Trước khi nói với người khác rằng "tính tôi vốn thế", mình hy vọng rằng bạn đã có một cuộc điều tra sâu sắc về những mô thức tâm lý (psychological patterns) vô thức điều khiển hành vi của bản thân và biết được rằng nó đến từ những niềm tin cốt lõi (core beliefs) được hình thành từ rất lâu mà có thể bạn chưa từng đặt câu hỏi.
Chúng ta ai cũng có những niềm tin như vậy – về bản thân, về tình yêu, về cách thế giới vận hành. Và đôi khi, chính những niềm tin đó lại quyết định cách ta yêu, cách ta trân trọng hay né tránh một người.
Hãy thử tự hỏi:
Mình có tin rằng mình xứng đáng được yêu thương vô điều kiện không?
Mình có tin rằng nếu mình không hoàn hảo, người khác sẽ rời bỏ mình không?
Mình có tin rằng mình phải làm gì đó, trở thành ai đó mới xứng đáng với tình yêu không?
Có người lớn lên với niềm tin rằng họ phải làm hài lòng người khác để được yêu (people-pleasing). Có người lại mang trong mình nỗi sợ bị bỏ rơi, nên họ hoặc bám víu quá chặt, hoặc chọn cách rời đi trước khi bị tổn thương. Cũng có người tin rằng yêu là phải kiểm soát, vì nếu không nắm quyền chủ động, họ sẽ bị tổn thương.
John Bowlby & Mary Ainsworth đã giới thiệu 4 mô thức trong tình yêu như thế này:
Tránh né tình cảm (Avoidant) → “Thôi, đừng quá gần gũi, rồi cũng mất thôi.”
Phụ thuộc vào đối phương (Anxious) → “Liệu người ta có bỏ mình không?”
Luôn muốn kiểm soát (Control) → “Nếu mình không kiểm soát, mọi thứ sẽ rối tung.”
Chứng tỏ bản thân để được yêu (Perfectionism) → “Mình phải giỏi hơn, tốt hơn, hoàn hảo hơn thì người ta mới yêu mình.”
Và rồi, chúng ta cứ phản ứng theo những khuôn mẫu đó mà không hay biết.
Mình nhận ra, để thoát khỏi những mô thức này, trước tiên, cần nhìn thấy chúng. Khi một cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong mối quan hệ, hãy tự hỏi:
Tại sao mình lại phản ứng như vậy?
Mình đang sợ điều gì?
Niềm tin nào khiến mình có suy nghĩ này?
Rồi sau đó, thử thách lại nó:
Niềm tin này có đúng trong mọi trường hợp không?
Liệu có một cách nhìn khác lành mạnh hơn không?
Nếu mình tin vào điều ngược lại, liệu mọi thứ có khác đi không?
Bạn có thể thử làm bài kiểm tra này để tìm xem mình thuộc kiểu gắn bó nào. Và mọi bài kiểm tra cũng chỉ mang tính chất tương đối nếu bạn không thật sự quan sát và phản tư thường xuyên thì thật khó để hiểu mình là ai và tại sao mình lại hành động như thế.
Ví dụ, nếu bạn tin rằng “Mình phải làm hài lòng người khác để không bị bỏ rơi”, hãy thử đổi thành “Những người thực sự yêu mình sẽ trân trọng cả khi mình không hoàn hảo”.
Mình đã bắt đầu đặt những câu hỏi như thế cho bản thân mấy năm gần đây để thật sự hiểu điều gì đã khiến mình hành động như vậy. Và mình nhận ra, mình thuộc kiểu gắn bó Perfectionism. Những tiềm thức đó đều đến từ một tuổi thơ luôn cố gắng chứng tỏ bản thân để được chú ý và công nhận. Mình đã lớn lên với điều đó. Nó chẳng xấu, mình chỉ ghi nhận điều đó để hiểu động cơ của bản thân rồi từ đó thấu hiểu và thương mình hơn như thế.

Trong phần 2 của Inside Out, bạn sẽ hiểu rõ cách các niềm tin cốt lõi được hình thành, và nó là nền móng cho sự phát triển của bạn trong tương lai. Nó là một tập hợp niềm tin tốt & xấu, tự tin & tự ti, xấu hổ & sợ hãi,... rất nhiều thứ hỗn tạp trong những niềm tin này. Tụi mình sẽ không đánh giá nó là đúng hay sai, việc của tụi mình là nhận ra nó, chấp nhận nó đã ở trong đời tụi mình, vậy thôi! Mình cũng recommend bạn nên xem 2 phần của Inside Out đấy, hay cực!
Không dễ để thay đổi những điều đã ăn sâu vào tiềm thức. Nhưng khi mình bắt đầu đặt câu hỏi, những thứ từng chi phối mình sẽ dần mất đi quyền lực. Tình yêu không chỉ là tìm được đúng người, mà còn là tìm lại chính mình trong một phiên bản lành mạnh hơn.
Và dù tìm kiếm điều gì, hãy luôn có niềm tin rằng mọi thứ đều sẽ ổn.
Thương mến,
Rachel
留言