Người già, cô đơn!
- Lương Ngô
- Feb 6
- 3 min read
Tôi đồ rằng cuộc đời con người có phải là những vòng lặp cô đơn? Chúng ta cô đơn từ thời điểm này qua thời điểm khác, từ trạng thái này qua trạng thái kia. Nó là một cảm giác đi liền như khúc ruột của một con người.
Họ nói rằng, trọn kiếp nhân sinh, đời người đi qua 3 lần chia tay:
lần chia tay thứ 1, là chia tay người sinh ra bố mẹ mình,
lần chia tay thứ 2, là chia tay người sinh ra mình,
và lần chia tay cuối cùng, là chia tay người mà mình sinh ra.
(Theo bác Nghệ)
Tôi nói rằng trọn kiếp nghĩa là ai đó đi qua đủ 3 lần chia tay này, nếu không trọn thì ít nhất 1 lần bạn sẽ đi qua 1 trong 3 cái trên. Ông bà tôi đã đi qua lần chia tay thứ 2, lần chia tay thứ nhất thì tôi không rõ, nhưng lần chia tay thứ 3 vừa diễn ra vào mùa hè năm nay. Và có lẽ, đó là một nỗi đau lớn lao tới tận cuối đời.

Mỗi lần nhìn ông bà, tôi lại thấy cô đơn, cái nỗi cô đơn đó thấm đẫm trong không gian lạnh heo hút của ngôi nhà vào mùa đông, những cành cây đen ngòm, một vài chiếc lá thưa thớt còn sót lại,…
Ông bà ngoại tôi có 3 người con, Mẹ tôi là con gái đầu, tới cậu và Gì tôi. Nói về khoảng cách, Gì và Mẹ tôi ở rất gần ông bà ngoại, nhà rất gần nhau, nhưng nói về gắn kết, thì tôi chẳng rõ.
Hồi còn trẻ, ông bà tôi cũng đã đi qua rất nhiều lần cô đơn. Ông Ngoại đi lính hàng năm trời, bà Ngoại và mẹ tôi ở nhà đợi ông về theo từng chặng thời gian như thế, thật may mắn vì ông trở về (trong số tất cả những người ra đi, chỉ có ông trở về). Khi Mẹ, Cậu và Gì tôi lớn lên, ai cũng phải mưu sinh mà đi đây đó, chẳng có nhiều thứ gọi là sum họp như những ngày Tết này. Có lẽ thời đó, ông bà cũng rất cô đơn.
Khi đã về già, căn nhà đó, vẫn rất cô đơn. Hồi còn bé khi hay qua Ngoại chơi, tôi chẳng để ý gì nhiều, chỉ chăm chăm vào mấy cái bánh kẹo được ăn mỗi lần cúng Rằm, hay mấy trò chơi gì vui vui, hoặc chỉ là tìm một nơi để trốn mẹ. Bây giờ khi lớn lên, tôi nhìn kỹ hơn về mấy cái cây ngoài vườn, cái chậu ngoài sân, cái chòi nhỏ chất đầy củi để ông bà đun nước, cái võng xanh lá 1 đầu mắc vào cái cột sắt, một đầu mắc vào cây khế,… Tôi cầm tay ông bà với đầy vết nhăn nheo, những mảng da đầy vết đồi mồi - hậu dư chấn của một thời chiến tranh khốc liệt, mái tóc ông ngoại thưa thớt trên đầu còn bà ngoại thì bạc phơ,… Căn nhà ấy, chỉ có 2 ông bà cùng con gái cậu tôi, thật neo người.

Ngày hôm qua, ông ngoại tôi đổ bệnh phải ra bệnh viện tỉnh theo dõi bệnh tình. Chỉ có bà Ngoại ở nhà với cháu. Ông Ngoại tôi dù ở viện, vẫn la lên là không biết bà Ngoại ở nhà thế nào, có ai chăm bà hay không. Chiều nay, tôi qua nhà Ngoại, ngồi nói chuyện một lúc với bà Ngoại, bà bảo ở nhà ông là người nấu cho bà ăn.
Một ngày nào đó, căn nhà đó sẽ càng heo hút hơn nữa, nghĩ tới điều này tôi chỉ thấy buồn. Điều lạc quan nhất tôi có thể nhìn nhận lúc này đó là ông bà Ngoại tôi còn có nhau, vẫn còn chăm sóc nhau mỗi ngày dù cũng lắm lời qua tiếng lại, nhưng đi đâu thì cũng nhớ nhau nhiều.
Có những điều, ta biết ta chỉ có thể chứng kiến và chấp nhận, nhưng bằng cách nào đó, thật lòng tôi muốn ông bà không thấy cô đơn. Tôi chỉ biết ôm ấp, nắm tay và thương ông bà trong trái tim này, dù đi đâu cũng thế.
Sau này, có lẽ, chúng ta cũng cô đơn như thế mà thôi.
Thương mến,
Rachel
Comments