Nương tựa & Dựa dẫm.
- Lương Ngô
- Feb 7
- 4 min read
Có một khoảnh khắc, tôi nhận ra mình có một khuôn mẫu khá sai lệch trong các mối quan hệ, rằng tôi có xu hướng muốn dựa dẫm người khác.
Khi trải qua một cảm giác tiêu cực, buồn bã hay đau đớn, nhu cầu được giải phóng khỏi một vấn đề của chúng ta mạnh mẽ tới nỗi muốn ai đó xuất hiện và lấy nó ra khỏi chúng ta. Nỗi đau càng lớn, nhu cầu muốn thoát ra càng mạnh.
Trong quá khứ, tôi đã từng mong muốn rằng partner (người yêu, bạn bè, đồng đội..) có thể giúp mình xua tan những điều đó khi tâm sự và chia sẻ. Nhưng rõ ràng điều đó thật khó và dường như không thể.
Có một sợi dây mong manh giữa nương tựa và dựa dẫm, chỉ cần để ý ta sẽ thấy mình đang lệch qua phía nào.
Trong hôn nhân, ta nương tựa bạn đời để cùng vun vén cho tổ ấm, trong mọi mặt. Không phải mọi áp lực tài chính đều đẩy lên vai nam và mọi áp lực nuôi con đều dồn lên vai nữ. Ta nương tựa vào nhau để cùng chia sẻ, chứ không dựa dẫm đẩy hết trách nhiệm lên một người.
Trong công việc, ta nương tựa đồng nghiệp để cùng nhau phát triển, trở thành một team gắn kết và lành mạnh. Không phải dồn hết mọi quyết định cho người khác, cũng không phải Sếp là người quyết định sống còn.
Trong tình bạn, ta nương tựa bạn mình để được chia sẻ và lắng nghe. Không phải chỉ tìm tới khi cần và rời đi khi thấy khó khăn. Ta nương tựa để thấy nhau trong mối quan hệ đó, bạn thấy tôi và tôi cũng thấy bạn đều đang hiện diện.

Trong mối quan hệ yêu đương, rất dễ để trở nên phụ thuộc đối phương, vì có thể họ quá thân thuộc với mình. Có nhiều khía cạnh dựa dẫm mà ta có thể kể đến (tài chính, tinh thần, tình cảm), điều đó dẫn tới sự mất cân bằng và khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin vào chính mình.
Một người luôn tìm đến người yêu để giải quyết mọi vấn đề, từ nhỏ đến lớn, không tự mình đối mặt. Một người chỉ thấy mình đẹp chỉ khi được một lời khen từ đối phương, một người chỉ thấy mình vui khi thấy người yêu đang cười.
Để hiểu sâu sắc hơn về sự phụ thuộc này góc nhìn khoa học thì:
Ta có thể đào sâu hơn về phong cách gắn bó của bản thân trong một mối quan hệ ( Attachment Styles) của nhà tâm lý học John Bowlby và Mary Ainsworth.
Ta có thể tìm hiểu về lòng tự trọng (Self-Esteem) của bản thân vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng tự trọng có liên quan đến mức độ dựa dẫm trong mối quan hệ. Người có lòng tự trọng thấp thường có xu hướng tìm kiếm sự khẳng định và công nhận từ đối phương, dễ bị tổn thương khi bị từ chối hoặc chỉ trích.
Ta cũng có thể đọc về sự đồng phụ thuộc (codependency) - trong Tạp chí Tư vấn Sức khỏe Tâm thần được định nghĩa là sự tận tụy quá mức trong một mối quan hệ, thậm chí hy sinh cả nhu cầu cá nhân và tâm lý của bản thân.
Khi ta nhận ra được điều này, đó là bước đầu để khai mở cho ta cánh cửa quan sát hành vi của chính mình, nhưng sửa nó có dễ không, thì không dễ chút nào. Thậm chí là vô cùng chật vật!
Bạn đã có cả một quá trình lớn lên và hình thành nó từ trong tâm thức, không chỉ nhờ một tiếng “Ớ rê ka” ta biết nó là gì (có khi còn hiểu sai) thì nó sẽ bùm một cái biến mất tiêu.
Nhưng tôi nghĩ, điều đẹp đẽ nhất ở trong các mối quan hệ là gì, là thấy nhau xấu xí mà không từ bỏ, vì ta biết ta cũng có những mặt xấu xí như nhau. Ta ở lại, nương tựa vào nhau để cùng nhau sửa đổi, chữa lành cho nhau và cùng nhau vươn tới. Đó là một sự gắn kết tuyệt vời, dù trong thực tế cũng rất nhiều đau đớn và vật lộn :))))
Về mặt lý thuyết, ta biết điều ta nên làm. Trong thực tế, ta dẫu biết cái gì nên nhưng vẫn hành động theo tiềm thức và thói quen sẵn có. Để đi từ lý thuyết tới hành động, có lẽ, ta phải trải qua một sự khủng hoảng đủ mạnh để chiến thắng cái đang tồn tại.
Xin mượn lời của một người thân mến: Cái gì mạnh hơn thì cái đó thắng. Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi ta muốn chiến thắng bản thân để vươn tới điều tốt đẹp, cho mình và cho cả người khác.
Thương mến,
Rachel.
Comments